Khi nhắc đến nhổ răng đặc biệt là nhổ răng khôn khi đã ở tuổi trưởng thành luôn là nỗi lo lắng của nhiều người. Việc nhổ răng khôn không chỉ là một quyết định cá nhân mà còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe răng miệng lâu dài. Nhưng việc nhổ răng khôn có thực sự cần thiết với tất cả mọi người? Không nhổ có sao không?
Răng khôn, hay còn gọi là răng số 8, thường mọc sau cùng và có thể gây ra nhiều vấn đề nếu không được xử lý đúng cách. Vậy không nhổ răng khôn có sao không? Nhổ răng khôn mang lại lợi ích gì và khi nào cần nhổ răng khôn, hãy cùng giải đáp những thắc mắc này cùng Bác sĩ Võ Thị Minh Hảo để bạn có thể an tâm khi đưa ra quyết định.
Không nhổ răng khôn có sao không?
Răng khôn là những chiếc răng mọc cuối cùng trong hàm, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 17 đến 25. Tuy nhiên, do không gian trong hàm không đủ, răng khôn thường mọc lệch, kẹt hoặc ngầm dưới nướu, vì thế cần phải xử lý loại bỏ chúng. Nhiều người chưa sẵn sàng nhổ bỏ răng khôn hoặc muốn kéo dài thời gian nhưng lại lo lắng không nhổ răng khôn có sao không.
Thực tế, quyết định giữ lại hay nhổ bỏ răng khôn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể răng khôn của từng người. Tuy nhiên, việc không nhổ răng khôn có thể đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn bao gồm:
- Đau nhức, sưng tấy: răng khôn mọc lệch hoặc kẹt lại có thể gây ra tình trạng đau nhức dữ dội. Khi răng khôn cố gắng trồi lên, nhưng không có đủ chỗ, nó có thể đẩy vào các răng bên cạnh hoặc gây áp lực lên nướu và xương hàm, dẫn đến sưng tấy và đau đớn. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn.
- Nhiễm trùng: một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất khi giữ lại răng khôn bị mọc lệch hoặc ngầm là nguy cơ nhiễm trùng. Thức ăn và vi khuẩn có thể dễ dàng mắc kẹt ở vị trí răng khôn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm. Viêm nhiễm này có thể lan rộng, gây áp xe hoặc thậm chí là nhiễm trùng lan tỏa, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
- Ảnh hưởng răng bên cạnh: răng khôn mọc lệch có thể tác động lên răng số 7, chiếc răng nằm ngay trước răng 8. Áp lực này có thể làm hỏng men răng hoặc gây sâu răng số 7, dẫn đến việc phải điều trị hoặc thậm chí nhổ bỏ răng này. Hậu quả là không chỉ răng khôn mà cả răng lân cận cũng bị ảnh hưởng, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng chức năng nhai.
- Khớp cắn lệch: Răng 8 mọc lệch đẩy xô các răng khác trong hàm dẫn đến tình trạng lệch khớp cắn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh răng miệng và có thể dẫn đến các vấn đề về khớp thái dương hàm.
- Gây ảnh hưởng đến dây thần kinh: răng khôn mọc lệch có thể chèn ép lên các dây thần kinh lân cận, gây ra các biểu hiện như tê bì thậm chí mất cảm giác hay không há được miệng.
Răng khôn thường chỉ được loại bỏ nếu chúng gây ra vấn đề hoặc có khả năng xảy ra trong tương lai. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ nha khoa để biết có cần nhổ răng khôn hay không để tránh những biến chứng nếu không nhổ răng khôn.
Lợi ích của nhổ răng khôn
Không phải tất cả các trường hợp đều cần phải nhổ răng khôn. Nếu răng khôn mọc thẳng, không gây đau nhức, viêm nhiễm, và không ảnh hưởng đến các răng khác, bác sĩ có thể khuyên bạn giữ lại răng khôn. Tuy nhiên trong trường hợp có chỉ định nhổ răng, việc chủ động nhổ sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
Nhổ răng khôn mang lại nhiều lợi ích quan trọng, từ việc giảm đau nhức, ngăn ngừa viêm nhiễm, bảo vệ răng lân cận đến việc duy trì cấu trúc hàm ổn định. Hơn nữa việc chủ động nhổ răng giúp bạn tiết kiệm chi phí điều trị cho các đợt viêm nhiễm. Mặc dù nhổ răng khôn là một thủ thuật đơn giản, nhưng nó có thể mang lại sự thoải mái và yên tâm lâu dài cho bạn. Nếu bạn đang gặp phải vấn đề với răng khôn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Khi nào nên nhổ răng khôn?
Quyết định về việc khi nào nhổ răng khôn sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tình trạng răng mọc của răng khôn và những phiền toái chúng gây cho bạn tại thời điểm hiện tại hoặc có khả năng xảy ra trong tương lai. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, bạn có thể cần phải nhổ răng khôn nếu:
- Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, mọc kẹt.
- Đau, sưng tấy ở trong hoặc vùng gần răng khôn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- Nhiễm trùng lặp đi lặp lại ở mô mềm phía sau răng cuối cùng hàm dưới.
- Tổn thương các răng lân cận.
- Bệnh về nướu.
- Sâu răng lan rộng.
- Không có chức năng và gây khó khăn trong quá trình vệ sinh răng miệng, nhổ răng. khôn có thể được khuyến nghị để duy trì sức khỏe răng miệng tổng thể.
Các bác sĩ nha khoa khuyên rằng nên nhổ răng khôn khi còn trẻ, thường là từ 15 đến 22 tuổi sẽ an toàn, dễ dàng hơn và cần ít thời gian phục hồi hơn so với nhổ răng khôn sau này.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng quyết định xem có nên nhổ răng khôn hay không và khi nào cần nhổ. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa có chuyên môn để có những giải pháp tốt nhất cho bạn.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279590/#:~:text=Wisdom%20teeth%20are%20usually%20only,and%20may%20cause%20side%20effects.