Nhổ răng khôn có nguy hiểm không? Làm thế nào để nhổ răng khôn an toàn?
Nhổ răng khôn có thể xảy ra một số biến chứng nguy hiểm: sưng mặt, đau nhức, tổn thương dây thần kinh lân cận,… Những điều này đều nằm trong tầm kiểm soát của bác sĩ, bác sĩ sẽ có biện pháp dự phòng và xử lý phù hợp. Chính vì vậy, để nhổ răng khôn an toàn, bạn nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín để không còn lo lắng nhổ răng khôn nguy hiểm.
Độ tuổi mọc răng khôn khoảng từ 18 đến 26 tuổi, đây là khoảng thời gian mà nhiều người trưởng thành thường đi khám răng do đau nhức ở răng khôn. Vậy có phải ai cũng cần phải nhổ răng khôn không? Nhổ răng khôn có nguy hiểm không? Làm thế nào để nhổ răng khôn an toàn? Cùng giải đáp các thắc mắc đó qua bài viết dưới đây.
Nhổ răng khôn diễn ra như thế nào?
Thông thường, quy trình nhổ răng khôn được thực hiện như sau:
- Bước 1: Khám tổng quát và chụp phim X-quang
Bác sĩ sẽ thăm khám để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, đánh giá răng khôn có cần nhổ hay không. Nếu có chỉ định nhổ răng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp phim X quang để đánh giá chính xác về hướng và vị trí răng khôn mọc, từ đó xây dựng kế hoạch nhổ răng phù hợp và ít sang chấn cho người bệnh.
- Bước 2: Thực hiện những xét nghiệm kiểm tra
Bệnh nhân sau đó được chỉ định lấy máu xét nghiệm để đánh giá tình trạng đông máu, và một số xét nghiệm sinh hóa máu có liên quan khác. Nếu có vấn đề, nha sĩ có thể chỉ định dùng thuốc can thiệp cho quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được xét nghiệm để kiểm tra bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,… nhằm loại bỏ yếu tố rủi ro và đảm bảo an toàn trước – trong – sau điều trị.
- Bước 3: Tiến hành nhổ răng
Bác sĩ gây tê tại chỗ răng cần nhổ để bạn không cảm thấy đau trong suốt quá trình nhổ răng khôn. Tùy theo mức độ khó nhổ của răng khôn mà bác sĩ có thể kết hợp các thủ thuật này với nhau để nhổ răng an toàn:
- Cắt nướu, lật vạt bộc lộ răng khôn mọc lệch hoặc ngầm.
- Nếu răng khôn mọc ngầm trong xương cần phải mài xương ổ mặt ngoài để bộc lộ thân răng khôn.
- Chia cắt răng để lấy răng ra khỏi xương ổ một cách thuận lợi.
- Chia chân răng nếu chân răng to và bị kẹt không thể nhổ lên được.
- Khâu đóng 2 mép vết thương giúp nướu lành thương nhanh hơn.
- Bước 4: Tái khám sau nhổ răng
Sau khi nhổ răng bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh và ăn uống phù hợp, đồng thời hẹn lịch tái khám để kiểm tra sự lành thương sau nhổ. Nếu có vấn đề bất thường cần tái khám sớm hơn lịch hẹn để bác sĩ kịp thời xử lý.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Nhổ răng khôn được đánh giá là một trong những trường hợp điều trị răng miệng khó, đặc biệt là răng khôn hàm dưới. Do đó, bác sĩ thực hiện nhổ răng khôn cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng lâm sàng vững ổn thì mới xử lý được các vấn đề phát sinh cũng như giảm được nguy hiểm khi nhổ răng khôn.
Hiện nay, ngoài các công nghệ nhổ răng khôn hiện đại, thì tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ là yếu tố quyết định chính đến độ an toàn của việc nhổ răng. Với một bác sĩ có tay nghề cao, cùng công cụ hỗ trợ thăm khám và lên kế hoạch nhổ răng hiệu quả sẽ giúp quá trình nhổ răng diễn ra an toàn.
Làm thế nào để quá trình nhổ răng khôn diễn ra an toàn?
Một số lưu ý để quá trình nhổ răng khôn diễn ra an toàn:
- Trước khi nhổ răng khôn:
- Nếu bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính như rối loạn đông cầm máu, bệnh tim mạch, đái tháo đường,… cần phải kiểm soát bệnh nền và được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa nội trước khi nhổ răng. Bác sĩ răng hàm mặt chỉ nhổ răng khôn khi thật sự cần thiết.
- Cần ăn no trước khi tiến hành tiểu phẫu để tránh tụt huyết áp đột ngột, ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi nhổ răng để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ.
- Chụp phim Xquang, khảo sát, đánh giá và lên kế hoạch nhổ răng khôn.
- Trong quá trình nhổ răng khôn:
- Trình độ chuyên môn, kỹ năng của bác sĩ là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công khi nhổ răng khôn.
- Trang thiết bị hiện đại là một trợ thủ đắc lực cho bác sĩ giúp quá trình nhổ răng khôn diễn ra nhanh hơn, ít xâm lấn hơn (không cần phải lấy nhiều mô xương quanh răng khôn) nên giảm đau nhức, sưng mặt cho người bệnh.
- Khi chọn lựa được địa chỉ nhổ răng khôn uy tín thì bạn không nên quá lo lắng để quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi, vết thương nhanh lành hơn.
- Sau khi nhổ răng khôn:
Mỗi người có thời gian phục hồi sau nhổ răng khôn khác nhau. Nếu vết thương bị nhiễm trùng hoặc cục máu đông bị bong ra khỏi vết thương,… quá trình hồi phục có thể mất nhiều thời gian hơn. Do đó bạn cần phải chăm sóc đúng cách sau nhổ răng khôn:
- Uống thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh súc miệng mạnh trong 1 ngày đầu tiên sau khi nhổ răng.
- Sau 6 tiếng nhổ răng, có thể súc miệng nhẹ bằng nước muối sinh lí pha sẵn hoặc dung dịch súc miệng có kháng sinh để sát khuẩn vết thương (chlorhexidine).
- Chỉ ăn các món ăn mềm, lỏng nguội như súp, cháo, bún mềm,… để tránh ảnh hưởng đến vết thương. Tránh ăn nhai ở vị trí vừa mới nhổ răng để không tác động đến vết thương.
- Chườm lạnh ngay sau khi nhổ răng để giảm đau nhức. Sau 24 giờ nhổ răng, chườm nóng ở ngoài má để giảm sưng đồng thời tăng lưu lượng máu đến ổ răng giúp quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn.
- Tránh hút thuốc, uống rượu bia, nước ngọt trước và sau khi nhổ răng khôn.
Nhổ răng khôn là một thủ thuật điều trị nha khoa có xâm lấn nên sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh một vài ngày sau nhổ. Tùy theo độ khó nhổ của răng khôn mà quá trình lành thương sẽ diễn ra nhanh hay chậm, và thường kéo dài 2 tuần. Như vậy, nếu răng khôn gây ra các biến chứng mà không nhổ bỏ mới là nguy hiểm đến sức khoẻ. Việc nhổ bỏ răng khôn nên lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín, an toàn để tránh các biến chứng nguy hiểm.